Đối mặt nguy cơ trắng tay
Chúng tôi có mặt tại khu 1, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, nơi được coi là một trong những địa phương có nhiều hộ dân nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt. Anh Đào Văn Nam buồn bã cho biết: Mọi năm mặc dù tôm có bị bệnh nhưng không nhiều và không chết nhanh như năm nay. Toàn bộ 100 nghìn con tôm giống mà anh thả được 42 ngày trên diện tích 1,4 ha đã chết không còn một con. Toàn bộ vốn liếng đầu tư nuôi tôm của gia đình đã "bay hơi".
Hiện, lợi dụng việc tôm nuôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, các thương lái đã cố tình ép giá, bắt các chủ nuôi tôm phải bán giá rất thấp với lý do tôm bị nhiễm bệnh. Trước tình trạng này, hộ gia đình anh Vi Đức Mậu ở phường Ninh Dương đã phải thu hoạch khi tôm nuôi mới được hơn 20 ngày theo kiểu thu "lúa non" với suy nghĩ thêm được đồng nào thì sẽ bớt thiệt hại cho gia đình. Anh Mậu mong muốn: Các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nuôi tôm bị ảnh hưởng do dịch bệnh con giống và các loại thuốc, hóa chất để dập dịch, từ đó có cơ hội tái nuôi tôm. Được biết từ năm 2013 anh Mậu đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và đến nay tổng vốn đầu tư hệ thống ao đầm của gia đình anh là 12 tỷ đồng với diện tích 18 ha đầm nuôi tôm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 17 ha nuôi tôm của gia đình anh đã bị nhiễm bệnh dẫn đến tôm chết hàng loạt.
Cũng như anh Mậu, chị Đặng Thị Dịu ở khu 7, phường Hải Hòa đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho nuôi tôm thẻ chân trắng. Mặc dù đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm nhưng đến nay chị Dịu cũng đành bất lực nhìn 15 ha tôm nuôi bị chết và ước thiệt hại là 1,5 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi ha tôm nuôi của chị bị dịch bệnh chết sẽ tương đương với việc chị mất trắng 300 triệu đồng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội Thủy sản TP Móng Cái Bùi Ngọc Liêm cho biết: "Nguyên nhân tôm nuôi bị bệnh chết hàng loạt là do thời tiết quá nóng kéo dài, nhiệt độ nước và độ mặn của các ao đầm nuôi tôm tăng cao, vượt các chỉ số kỹ thuật cho phép đã làm bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhiều hộ nuôi có nguy cơ trắng tay, không còn khả năng tái nuôi, vì vậy đề nghị Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi tôm có cơ hội đầu tư nuôi trở lại".
Tính đến thời điểm này, phường Hải Hòa đã có hơn 45 hộ nuôi tôm với tổng diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh là hơn 90 ha. Hiện, các hộ nuôi tôm đều được cấp hóa chất để tiêu độc, khử trùng diện tích ao đầm bị nhiễm bệnh.
Theo số liệu thống kê, đến ngày 15-6, trên địa bàn TP Móng Cái đã có hơn 400 ha ao, đầm của khoảng 600 hộ nuôi tôm, thuộc 11 xã, phường trên địa bàn có tôm bị chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tôm chết do bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng. Hai loại bệnh nêu trên đều nằm trong danh mục phải công bố theo Thông tư số 38/2012/TT-BNNPTNT. Nếu trung bình mỗi ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh thì người nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng 300 triệu đồng. Như vậy, trên địa bàn TP Móng Cái hiện có hơn 300 ha nuôi tôm bị dịch thì con số thiệt hại sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nỗ lực dập dịch
Ngay sau khi công bố dịch bệnh trên tôm nuôi, TP Móng Cái đã thành lập ngay các "Tổ công tác đặc biệt, chống dịch tôm nuôi trên địa bàn TP Móng Cái", trong đó có các thành phần tham gia chống dịch là cán bộ Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống thủy sản Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu thủy sản I, Công an Môi trường thành phố, cán bộ môi trường Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Công tác dập dịch, phòng, chống dịch bệnh lây lan ngay lập tức được triển khai như công bố dịch, thành lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển tôm giống, tôm thương phẩm ra, vào vùng công bố dịch; có các biện pháp xử lý ổ dịch. Các ngành chức năng của tỉnh chủ động phối hợp chính quyền các địa phương triển khai công tác khoanh vùng ổ dịch, dập dịch. Tính đến nay, tổ công tác đã xử lý gần 40 ổ dịch với lượng hóa chất khử trùng đã sử dụng khoảng 31.000 kg; thực hiện phun tiêu độc khử trùng dụng cụ thu hoạch, phương tiện vận chuyển và kiểm dịch năm lô tôm thương phẩm.
Đến nay, tổng số hóa chất đã nhập để sử dụng dập dịch là 78,755 tấn. Trong đó, 71 tấn Chlorine từ Quỹ dự trữ quốc gia và 7,755 tấn Vicato nguồn dự trữ từ Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra còn sử dụng lượng hóa chất Iotrin dự trữ của Trạm Thú y thành phố dùng để tiêu độc khử trùng dụng cụ thu hoạch, phương tiện vận chuyển trước khi ra khỏi cơ sở nuôi và vùng dịch. TP Móng Cái đã cấp cho các hộ nuôi tôm 31.621,2 kg hóa chất các loại để khử trùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định: Việc tôm chết hàng loạt trong thời gian qua là do thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao; khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người dân còn giấu dịch. Đồng thời việc xử lý dịch bệnh trên tôm nuôi của người dân chưa khoa học, đặc biệt là khi xả nước ra ngoài môi trường chưa qua xử lý cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan; công tác chỉ đạo của địa phương khi dập dịch còn lúng túng. Thời gian tới, thời tiết nắng nóng vẫn còn kéo dài, tình hình dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp, do đó công tác phòng dịch và dập dịch cần được tăng cường, quyết liệt hơn. Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ căn cứ mức độ thiệt hại của các hộ nuôi tôm để có phương án hỗ trợ trên cơ sở thực hiện theo đúng cơ chế của tỉnh đã quy định; đồng thời đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cung cấp bổ sung nguồn hóa chất phục vụ công tác dập dịch. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo, nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch.